PHÁT HUY NGHỀ TRUYỀN THỐNG TRỒNG DÂU, NUÔI TẰM CỦA NÔNG DÂN XÃ ÂN HẢO TÂY
Với tiềm năng, thế mạnh của làng nghề, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đang đứng trước cơ hội về mở rộng hợp tác đầu tư sản xuất cho người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; qua đó, tạo ra sản phẩm độc đáo từ tơ tằm và tăng giá trị cho ngành dệt may Việt Nam; đồng thời nâng cao vị thế làng nghề, tăng thu nhập cho người dân nơi đây, góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề theo hướng bền vững
Người thực hiện:
- Lê Nguyễn Phương Uyên, Lớp 9A1
- Nguyễn Thị Kiều Trang, Lớp 9A1
Trồng dâu nuôi tằm là nghề cổ truyền của dân tộc ta, đã có từ lâu đời. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở nước ta đã đạt đến trình độ khá cao, và hình thành nhiều vùng ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng. Nghề trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các ngành nghề nông nghiệp khác. Thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm cao hơn so với cây mì, bắp hay đậu tương từ 30 - 50%.
Trồng dâu nuôi tằm là nghề có chi phí sản xuất thấp, vốn đầu tư không cao, cây dâu sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất. Chỉ sau 4-6 tháng trồng dâu có thể thu hoạch lá và một lần trồng có thể thu hoạch 15-20 năm.
Người dân chăm sóc dâu tằm con
Tằm là con vật dễ nuôi, nhanh có lợi, tuy lợi nhuận thu vào 1 lần không cao nhưng thường xuyên trong năm. Khi tằm bị bệnh, năng suất kén không cao cũng không tốn kém nhiều về vốn. Chi phí trồng dâu thấp, đồng thời nuôi tằm lại cho thu hoạch nhanh nên nghề trồng dâu nuôi tằm có nhiều thuận lợi hơn so với các ngành nghề khác.
Nghề trồng dâu nuôi tằm có nguồn nhân lực đồi dào, mọi người dân từ người trẻ đến già đều có thể thực hiện được. Đồng thời, có thể thu hút được lao động nông nhàn. Nghề trồng dâu nuôi tằm có thể được coi là một nghề đặc biệt có ý nghĩa trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
QUI TRÌNH THỰC HIỆN
Để nuôi tằm sơ sinh, người ta chọn lá dâu non, xắt mỏng. Dao xắt là một loại chuyên dùng gọi là dao dâu, có lưỡi dài khoảng 50 cm, to bản, mũi bằng và sắc bén. Cán dao cũng dài tương đương với lưỡi. Tằm trưởng thành ăn rất bạo. Chỉ trong chốc lát, chúng nuốt chửng một lượng lá dâu tương đương với trọng lượng của cơ thể chúng
Người nông dân hái dâu chuẩn bị thức ăn cho tằm
Trứng tằm được dính chặt trên tấm gương (hoặc giấy bổi) mà thương lái đã giao và khi tằm nở, người ta hái những lá dâu non, xắt thật nhỏ, nhuyễn như thuốc cứa (thuốc lá xắt để quấn giấy quyến) rải sương lên lớp tằm mới nở để cho tằm bắt dâu, tức là tằm con biết ăn, nổi đều lên lớp dâu đã được xắt nhuyễn ấy.
Trứng tằm chuẩn bị nở
Tằm đã bắt dâu, thì sang qua trẹt (như cái sàng, nhưng đan khít không chừa lỗ). Lúc này, tằm ngủ để rụng lông. Qua mỗi giai đoạn trưởng thành, tằm thường ngủ một ngày một đêm. Mỗi tuần, tằm ngủ một lần. Sau một lần ngủ, tằm đi từ thời kỳ rụng lông, đến ăn một, ăn hai, ăn ba còn gọi là thức lớn, hoặc ăn rộ, tằm bắt đầu tin, đến chộ, đến tróc, tức tằm chín đều và bắt bỏ lên bủa để làm kén
VÒNG ĐỜI TẰM
* Giai đoạn 1: Trứng: (Ngài đực và ngài cái sẽ kết đôi). Sau đó ngài cái đẻ trứng. Một con ngài cái có thể đẻ 300 đến 500 trứng. Trứng hình bầu dục nhỏ, dẹt, màu vàng hoặc trắng đục.
Trứng tằm thương phẩm
* Giai đoạn 2: Sâu tằm: Sau 8 đến 10 ngày, trứng sẽ nở ra sâu tằm. Giai đoạn này sâu tằm ăn lá dâu để tích lũy chất dinh dưỡng.
Học sinh thực hành cho tằm con ăn
Sâu tằm sẽ trải qua khoảng 4 lần lột xác. Sau mỗi lần lột xác, cơ thể sâu tằm lớn lên rất nhanh. Chúng ăn rất nhiều lá dâu.
Người nông dân cho tằm ăn
Khi có đủ dinh dưỡng cần thiết là lúc tằm chín. Giờ là lúc tằm bắt đầu nhả tơ làm kén
Học sinh thực hành bủa tằm lên né
Học sinh tham quan kết quả tằm nhả tơ thành kén
* Giai đoạn 3: Tằm nhả tơ, kéo kén, chuyển hóa thành nhộng: Tằm sẽ nhả tơ ra từ miệng của nó, nhả tơ từ ngoài vào trong. Con tằm chuyển động không ngừng theo hình số 8 để nhả tơ. Khi kén kín tơ cũng là lúc tằm chuyển hóa thành nhộng.
Nhộng thương phẩm dùng làm thức ăn
* Giai đoạn 4: Nhộng nở ra ngài: Nhộng nằm trong kén tiếp tục biến đổi và phát triển. Khi nhộng đã thành ngài, ngài cắn vỏ nhộng chui ra, sau đó ngài sẽ cắn kén để chui ra ngoài. Ngài đực và ngài cái gặp nhau để kết đôi. Sau đó, ngài cái thưc hiện công việc của mình là đẻ trứng. Sau đó trứng sẽ nở thành sâu tằm và cứ như vậy vòng đời của tằm diền ra không ngừng.
Học sinh thực hành thu hoạch kén tằm
Kết quả thu hoạch kén của học sinh
Với tiềm năng, thế mạnh của làng nghề, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đang đứng trước cơ hội về mở rộng hợp tác đầu tư sản xuất cho người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; qua đó, tạo ra sản phẩm độc đáo từ tơ tằm và tăng giá trị cho ngành dệt may Việt Nam; đồng thời nâng cao vị thế làng nghề, tăng thu nhập cho người dân nơi đây, góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề theo hướng bền vững./.